CÔNG TY CP PHỤ GIA VÀ HOÁ CHẤT DẦU KHÍ

Chuyên trang về các loại phụ gia dầu mỏ và dẫn xuất của công nghiệp lọc hóa dầu

Bê tông nhựa màu dễ hay khó

Góp phần tìm hiểu sâu hơn về bê tông nhựa màu, bài viết này là thành quả của nhóm nghiên cứu Masami R&D trong suốt 3 năm qua với nhiều loại sản phẩm khác nhau và nhiều nhà cung cấp bê tông nhựa màu châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Đầu tiên, khi tìm hiểu về bê tông nhựa màu, Masami xin giới thiệu 2 công nghệ đang làm hiện nay trên thế giới:

1/ Công nghệ màu hóa nhựa đường đen

Công nghệ này sử dụng hệ màu đặc có khả năng hòa màu với màu đen của nhựa đường, tạo ra một sản phẩm có màu sắc khác.

Nhựa đường đen, bản chất của nó là đen, mà là đen đặc (không xuyên sáng), khác với những màu đen khác (như thạch đen, sơn đen,…). Ánh sáng qua nhựa là bị giữ lại không qua được, nên chỉ có cách dùng sản phẩm đặc và cũng không xuyên sáng mới xử lý được.

Công nghệ màu hóa nhựa đường đen cho ra các sản phẩm màu sắc không được bắt mắt, phần lớn là màu sẫm, nhưng bù lại bền với thời gian, không bị phai nhiều.

Công nghệ này thường được sử dụng ở Mỹ và một số nước Châu Mỹ.

Về kỹ thuật trộn, công nghệ này đáp ứng 2 ứng dụng trộn là trộn nóng và trộn nhũ tương.

 

2/ Công nghệ bê tông nhựa màu từ nhựa đường trong

Công nghệ này sử dụng nhựa đường trong kết hợp với hệ màu và đá để tạo ra hỗn hợp bê tông nhựa nguội.

Nhựa đường trong là một loại asphalten tổng hợp, cũng có thể được lọc từ nhựa đường đen (nếu có đủ điều kiện về màng lọc, chất xúc tác…). Trong điều kiện tổng hợp như là một kết quả của công nghiệp hóa chất, nhựa đường trong còn được pha thêm một hàm lượng các nhựa tổng hợp như vinyl, acrylic… để tăng thêm một số đặc tính cơ lý của bitum.

  

Hệ phụ gia màu trong công nghệ này cũng được coi là một trong nhưng điểm quan trọng hình thành nên nhựa đường màu. Hệ phụ gia màu gồm 2 nhóm phụ gia chính: vô cơ và hữu cơ.

  • Với các phụ gia vô cơ: chủ yếu là các oxi của một số kim loại để tạo màu cho sản phẩm. Các oxit này thường có màu đơn sắc, và không sặc sỡ. Tuy nhiên, lại bền với thời gian, không bị phân hủy bởi môi trường.
  • Với các phụ gia hữu cơ: là các hợp chất tạo màu hữu cơ, đem lại màu sắc sáng đẹp, bắt mắt. Tuy nhiên, các phụ gia này thường không bền màu và bị phá hủy dần bởi tia UV, tác động ma sát và các tác động khác trong quá trình lưu thông.
  • Màu sắc nhựa đường thường được sử dụng là hỗn hợp 2 hệ phụ gia màu trên để đảm bảo thời gian sử dụng dài hơn.

  

Công nghệ này thường được sử dụng ở một số tập đoàn như Shell, Total và một số quốc gia Châu Âu, Nhật Bản.

Về kỹ thuật trộn, công nghệ này đáp ứng 3 ứng dụng trộn là trộn nóng, trộn nguội và nhũ tương.

 

3/ Công nghệ bê tông nhựa màu từ PU tổng hợp kết hợp với hệ phụ gia đặc biệt

Xuất phát từ đặc điểm của Polyurethane là một sản phẩm có độ mềm co dãn tốt, độ bám dính tốt với bề mặt, Masami R&D đã nghiên cứu bổ sung hệ phụ gia dung môi phù hợp cho phép phối trộn bê tông nhựa đạt các tiêu chuẩn ngang bằng với bê tông nhựa màu hiện tại.

Các sản phẩm bê tông nhựa màu PU với những đặc tính tốt cho lớp phủ mịn, cứng trên bề mặt và co giãn đàn hồi tương đối, kết hợp với lớp phủ PU topseal kháng UV cũng như hầu hết kháng nước, kháng dầu, đang góp phần hình thành nên một dòng sản phẩm ưu việt của công nghệ này.

Trong hình phía trên là bê tông nhựa màu, phía dưới là bê tông nhựa màu PU.

Tất nhiên, công nghệ này chỉ áp dụng cho trộn nguội và nhũ tương.

Công nghệ này hiện tại chủ yếu áp dụng tại Hàn Quốc.

Thế giới các sản phẩm giao thông còn nhiều ứng dụng rất hay và bổ ích cần ta khám phá, trong phạm vi bài viết này Masami R&D hy vọng chia sẻ với các bạn, mong một ngày Việt Nam sẽ nhiều con đường có màu sắc đẹp, góp phần tô điểm thêm bức tranh giao thông trên con đường hội nhập.

Karutezu Hanamoto - R&D Manager, Masami Vietnam.